Công dụng trong y học Long_nha_thảo

Công dụng của Long nha thảo trong y học cũng như một trong những tên gọi của nó gắn liền với câu chuyện thần thoại về người phát hiện ra nó. Tương truyền, loài cây thuốc này được một con hạc mang xuống đưa cho một chàng tú tài đang trên đường lên kinh đô ứng thí, đúng vào lúc anh bị sốt nặng và chảy máu cam dọc đường đi. Khi dùng xong người thí sinh thấy bệnh tình thuyệt giảm rõ rệt, đỡ khát, người mát mẻ và máu mũi cũng ngưng chảy. Sau này, khi đã đỗ đạt, làm quan, chàng thí sinh cùng người bạn đường đã đem mẫu cây này gửi cho các thầy thuốc nghiên cứu và họ đã phát hiện ra tác dụng cầm máu rất hiệu quả của nó. Loại cây thuốc này về sau đã được đặt tên là "tiên hạc thảo" - có nghĩa là cỏ của con hạc tiên - nhằm ghi công con hạc khi xưa đã đem cây thuốc quý xuống cứu chữa cho chàng thí sinh.[8]

Theo Đông y, Long nha thảo có vị đắng chát, tính bình, vào 4 kinh tâm, phế, can, thận, có tác dụng thu liễm, chỉ huyết, cầm lị, giải độc, chữa sốt rét, bồi bổ cơ thể. Được dùng làm thuốc cầm máu, chủ trị các chứng xuất huyết như khái huyết, thổ huyết, băng huyết, kinh nguyệt không đều, nục huyết (chảy máu cam, niệu huyết, tiêu tiểu ra máu, băng lậu và bệnh ưa chảy máu (haemophilla), ngoài ra còn trị phúc tả, kiết lị, sốt rét, tràng nhạc, viêm âm đạo do trùng roi, trị giun sán, trị mụn nhọt, trĩ viêm tấy, chống mệt mỏi. Ngoài ra do chứa nhiều tanin, Long nha thảo cũng giúp giảm ho, trị viêm phế quảnhen suyễn. Thành phần sử dụng là cả cây, được thu hái vào cuối mùa thu, sau đó rửa sạch và đem phơi sấy khô, cắt thành đoạn. Ngày dùng 8-16g dưới dạng thuốc sắc, một số trường hợp có thể dùng liều cao hơn. Dùng ngoài, lượng tùy theo yêu cầu. Giã nát đắp, dùng bột, cao bôi hoặc dùng nước rửa.[2][3] Ở một số địa phương, người ta hái lá non, chần qua nước sôi, tiếp đó dùng nước sạch rửa vài lần để trừ bỏ vị đắng chát, sau đó xào chín, làm món ăn trong bữa cơm thay rau.[9] Tuy nhiên chống chỉ định cho người chóng mặt, buồn nôn.

Thành phần hóa học của Long nha thảo bao gồm các chất flavonit glycosit 0.9%, hyperosit 0,37%, isoqueecitrin 0,21%, agrimonin, agrimol A, B, C, D, E, agriminolid, pimic acid, tinh dầu và tanin 7,4%.

Theo các nghiên cứu gần đây, tác dụng của Long nha thảo trên cơ trơn và hệ tuần hoàn có nhiều trái ngược, ở một liều lượng và cách chế biến nhất định thì có tác dụng cường tim, hưng phấn hô hấp, tăng huyết áp, tăng co bóp cơ trơn, nhưng trong các trường hợp khác thì kết quả ngược lại. Đối với công dụng sát trùng, cây có hiệu quả trong việc chống tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn lị Flexner, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lao ở người. Ngoài ra còn có tác dụng ức chế cảm giác đau của thỏ, tác dụng hạ đường huyết, hạ thấp chuyển hóa cơ bản của chuột lớn và có tác dụng hưng phấn đối với cơ vân đã mệt mỏi. Thuốc làm tăng độ bền của hồng cầu của thỏ và chuột nhắt, tăng tốc độ đông máu của chó và thỏ.

Đặc biệt, hai phát hiện mới nhất về công dụng y học của Long nha thảo là: 1)tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư mô liên kết S180[10][11], ung thư ruột, gan[12][13] nhưng không ảnh hưởng đến các tế bào lành và 2)tăng cường khả năng miễn dịch, ức chế sự phát triển của virút HIV[14][15] Hiện nay Long nha thảo đã được sử dụng trên lâm sàng cho các bệnh nhân AIDS[3]. Liều dùng đối với người nhiễm HIV là long nha thảo 30g, bạch mao căn 30g, hải kim sa 30, bạch hoa xà thiệt thảo 30g, chi tử 15g, xa tiền thảo; sắc nước uống trong ngày[8].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Long_nha_thảo http://www.thuocvuonnha.com/c/long-nha-thao-chua-c... http://www.biology.duke.edu/yoderlab/reprints/2003... http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/11536375 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/21945237 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/4040585 http://www.pfaf.org/user/Plant.aspx?LatinName=Agri... http://www.plantoftheweek.org/week424.shtml http://books.google.com.vn/books?id=vnaXlZjGc1YC&p... http://www.lrc-hueuni.edu.vn/dongy/show_target.plx... http://www.cimsi.org.vn/CIMSI.aspx?action=Detail&M...